Mẹo sử dụng điện thoại thông minh đúng cách sẽ giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe của mình và vừa khai thác được triệt để tính năng của ‘dế yêu’.
Điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong gần hai mươi năm qua. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một công cụ dùng để giữ liên lạc với người thân, nó trở thành một trong những thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Bạn không tin ư? Cứ thử sống một ngày mà không động tới “bảo bối vạn năng” này xem.
Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bạn có thể vừa giữ liên lạc với gia đình, vừa sử dụng nhiều ứng dụng như lưu trữ ảnh, tải nhạc, xem phim, đọc sách, chụp ảnh, hay thậm chí giữ những chiếc chìa khóa trong nhà bạn.
Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ cho chiếc điện thoại của bạn?
Trước khi vội vàng quyết định “tậu” một chiếc điện thoại đời mới nhất, hãy cân nhắc xem chiếc điện thoại hiện tại có còn đáp ứng được nhu cầu của bạn hay không. Nếu có, hãy thực hiện các phương pháp sau để giúp chiếc điện thoại của bạn có thể sử dụng lâu hơn nhé.
Cập nhật phần mềm mới nhất cho điện thoại: Việc cập nhật phần mềm sẽ giúp điện thoại của bạn có được hệ thống bảo mật thông tin mới nhất, đồng thời giúp bạn có được những tính năng mới thú vị và hữu ích.
Không những thế, điều này còn giúp điện thoại chạy nhanh hơn. Nếu điện thoại của bạn quá cũ để có thể cập nhật phần mềm mới, thì đã đến lúc bạn cần đầu tư một chiếc điện thoại mới rồi đó!
Thay pin điện thoại: Thông thường, pin điện thoại bắt đầu yếu đi sau hai năm sử dụng; và việc sạc điện thoại nhiều khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn. Bạn có thể ra các của hàng sửa chữa điện thoại để thay pin nếu cảm thấy điện thoại của mình đã bị chai pin.
Thay màn hình điện thoại: Bạn khó chịu khi thấy màn hình điện thoại của mình bị xước hay vỡ? Hãy thay màn hình cho chiếc điện thoại của bạn. Thay vì bỏ ra hàng triệu đồng để thay màn hình đời mới nhất, bạn có thể chi một nửa số tiền với chiếc màn hình phiên bản cũ hơn, việc này vừa đảm bảo chất lượng cũng như tiết kiệm chi phí bạn cần bỏ ra.
Giữ khoảng cách với smartphone của bạn
Bạn không nên đặt điện thoại bên cạnh mình vì sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ sóng bức xạ. Nên có một khoảng cách với chiếc điện thoại của mình khi không cần thiết, đặt điện thoại bên mình trong thời gian càng dài thì ảnh hưởng từ bức xạ điện thoại càng lớn.
Tránh thực hiện những cuộc gọi dài
Cố gắng tránh các cuộc trò chuyện dài qua điện thoại sẽ làm giảm sự tiếp xúc với bức xạ được tạo ra bởi thiết bị. Ngoài ra, khi bạn đang nhắn tin hoặc truy cập Internet, hãy chắc chắn rằng bạn không giữ điện thoại ở vị trí gần đầu của bạn như khi thực hiện một cuộc gọi.
Tránh dùng smartphone trên giường ngủ
Việc giữ điện thoại bên mình như vật bất ly thân kể cả khi ngủ là thói quen khá phổ biến hiện nay. Điều này nên tránh vì nó làm cho bạn dễ bị nhiễm phóng xạ, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhất là với trẻ em. Hãy tắt điện thoại của bạn hoặc bất kỳ thiết bị phát ra bức xạ nào khác khi bạn đã đi ngủ.
Sử dụng tai nghe
Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn nên sử dụng tai nghe khi thực hiện cuộc gọi. Việc sử dụng một tai nghe sẽ không loại bỏ hoàn toàn bức xạ, nhưng nó sẽ kiểm soát nó một mức độ nào đó. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng tai nghe Bluetooth, đừng quên bỏ ra khi không sử dụng vì nó sẽ khiến bạn phải chịu bức xạ điện từ ở mức độ thấp liên tục.
Bật loa ngoài khi trò chuyện
Nếu bạn không muốn sử dụng tai nghe, hãy thử sử dụng chế độ loa ngoài khi đang gọi điện. Tất nhiên việc này không nên để ảnh hưởng đến những người xung quanh và cũng phải đảm bảo tính riêng tư của chính mình. Tác dụng của cách này cũng vẫn là giúp bạn giảm tiếp xúc với bức xạ điện thoại.
Tắt điện thoại
Tắt điện thoại của bạn nếu không sử dụng một thời gian như khi ngủ vào ban đêm. Ngoài ra bạn cũng có thể kích hoạt chế độ máy bay để tắt các kết nối và sóng vô tuyến, wifi, Blutooth hay GPS của điện thoại. Ngoài ra nếu trong phòng ngủ của bạn có bộ phát wifi, khi đi ngủ cũng đừng quên tắt đi, điều này sẽ giúp làm giảm mức độ bức xạ mà bạn phải tiếp xúc.
Không để điện thoại trong túi quần, túi áo
Cũng giống như phần đầu đã đề cập, bạn cần cố gắng tạo khoảng cách giữa mình và điện thoại khi không sử dụng. Khi mang điện thoại nên để điện thoại trong balo, túi xách thay vì đút trong túi quần của mình. Điều này sẽ giúp giảm sự tiếp xúc với sóng bức xạ.
Tránh sử dụng điện thoại ở nơi có sóng yếu
Nhiều người trong chúng ta không biết rằng điện thoại phát ra mức bức xạ khác nhau ở những tình huống khác nhau dựa trên mức độ tín hiệu.
Điện thoại kết nối thường xuyên với các cột phát sóng di động, khi xa các cột phát thì tín hiệu yếu đi. Trong trường hợp này điện thoại sẽ phải tăng cường khả năng bắt sóng để kết nối với cột phát và điều này sẽ làm tăng mức bức xạ được phát ra bởi thiết bị, đồng nghĩa với người dùng là chính chúng ta được hứng trọn lượng bức xạ cao hơn bình thường đó.